Người đàn ông Việt Nam từ xưa tới nay luôn cho rằng: “Nam vô tửu như kỳ vô phong”. Đàn ông mà không biết uống rượu thì bị so sánh như đàn bà không có phong độ của đấng mày râu. Người Việt Nam có tục lệ uống rượu khi ăn, mang ý nghĩa tương sinh hài hòa, thuận theo nguyên lý “âm dương phối triển” của Phương Đông. Cho nên có thể nói rằng uống rượu là một phạm trù văn hóa không thể thiếu của người Việt ta từ trước tới nay.
Việt Nam là dân tộc có truyền thống uống rượu từ lâu đời
Nhiều sách viết rượu có trước thời Hùng Vương, được làm từ gạo. Hầu hết các sách đều thống nhất trong việc sử dụng (mục đích) rượu vào việc tế lễ. Có sách thuật lại truyện vua Lý Thái Tổ đi tuần, đến nơi thấy sông núi tươi đẹp, cảm xúc, liền lấy rượu khấn rằng: “Nơi này cảnh đẹp, nếu có thần linh hạo khí thì xin nhận rượu của trẫm”. Quả nhiên đêm ấy, vua nằm mộng thấy vị thần xưng là Lý Phục Man... Như vậy, cha ông ta đã biết chế tác rượu, chủ yếu dùng vào việc tế lễ trời đất, tổ tiên và các nghi lễ quan trọng khác.
Có thể xuất phát từ tính chưng cất của rượu chiết xuất từ gạo kết hợp với thứ men lá đặc biệt. Mà gạo ngày xưa rất quý, gọi đó là “ngọc thực” nên dần dần qua tiếp biến văn hóa, rượu được coi là linh hồn của trời đất, vũ trụ, xứng đáng làm sứ giả để “nối” các vị thần thánh siêu nhiên với con người trần tục. Có sách còn chỉ ra rượu đủ có cả tinh-khí-thần, là tinh chất từ gạo nếp (tinh), hơi rượu tỏa trong không khí (khí), làm cho thần thái vui vẻ (thần)...
Như dòng chảy nhẹ nhàng, sâu lắng, hình tượng rượu ngấm dần vào phong tục rồi biểu hiện ra những nét văn hóa rất sinh động. Trước hết là để cúng ông bà tổ tiên: “Rượu ngon chắt để bàn thờ...”. Rượu thể hiện tấm lòng thành của con cháu trong sáng, thảo thơm (như rượu) mong muốn tổ tiên thưởng thức thứ lễ vật tinh túy của trời đất mà phù hộ độ trì cho con cháu.
Ông cha ta có câu “Chén tạc, chén thù”. Chủ chúc khách gọi là “tạc”, khách chúc đáp lễ gọi là “thù”. Đây là văn hóa chúc rượu của người Việt ta. Văn hóa uống rượu của người Việt có sự khác biệt trong từng tầng lớp. Người nông dân có thói quen uống rượu trong bữa ăn hay các cuộc vui gặp gỡ bạn bè. Còn giới doanh nhân thì mời rượu nhau trong những buổi giao tiếp gặp gỡ đối tác theo tục lệ “uống rượu là đầu câu chuyện” làm tiền đề cho buổi xã giao, thấu hiểu lẫn nhau. Đặc biệt văn hóa uống rượu của giới trí thức có điểm rất thú vị họ uống rượu để lấy cảm hứng sáng tác, bàn luận văn chương, thơ ca, khoa học.
Văn hóa uống rượu của người Việt có gì thú vị?
Văn hóa uống rượu của người Việt rất khác với văn hóa uống rượu của người nước ngoài nói chung. Người nước ngoài coi uống rượu là một lễ nghi xã giao rất trang trọng. Họ chú trọng đến lễ tiết, cách chúc rượu với người bề trên, bạn bè đều có chuẩn mực.
Điểm đặc biệt thú vị khác biệt với văn hóa uống rượu của người Việt là người nước ngoài thưởng thức rượu rất từ từ để cảm nhận vị ngon của rượu, họ cho rằng các cơ quan của cơ thể điều có thể cảm nhận được “thú vui tao nhã” này: Mũi thì được ngửi mùi thơm của rượu, mắt thì được ngắm màu sắc của rượu, lưỡi có thể thưởng thức vị ngon của rượu,…
Không phức tạp như người nước ngoài, người Việt Nam trong văn hóa uống rượu không chú trọng về lễ tiết mà chỉ muốn có một cuộc vui trọn vẹn không câu nệ. Đặc biệt đối với “chiến hữu” trên bàn rượu họ thường không nói nhiều cũng không có các câu chúc hoa mỹ chỉ dùng 1 từ “Dzôôô!” thay cho lời chào lâu ngày không gặp, lời chúc sức khỏe, lời động viên, chia sẻ niềm vui cùng nhau, thể hiện tình bạn thắm thiết thấu hiểu lẫn nhau.
Nét đẹp văn hóa uống rượu của người Việt Nam được bạn bè trên thể giới ngưỡng mộ về sự hào hứng, thỏa mái không câu nệ và chân thành hết sức mình. Nhưng hiện nay, có một bộ phận hiểu sai về văn hóa uống rượu dẫn tới những hệ lụy không đáng có ảnh hưởng đến sức khỏe. Cho nên muốn giữ gìn nét đẹp văn hóa này cần phải có sự chừng mực lấy niềm vui là chính không thúc ép để cho người Việt Nam có thể tự hào có một truyền thống văn hóa uống rượu đậm đà bản sắc dân tộc.